Đám tang ông diễn ra nhanh chóng. Chỉ có những người trong gia tộc lặng lẽ đưa ông đi. Không kèn, không trống. Đến tận khi ông chỉ còn là một cái tên khắc trên bia đá, tôi vẫn không thấy bà khóc nữa.
Mấy năm sau, bà cùng các bác tôi sang Canada định cư và mất ở đó. Bà được chôn cất ở Quebec, một thành phố lớn ở miền Đông Canada, nơi được coi là thủ phủ pháo đài của Pháp mới từ thế kỉ 17. Theo
lời các bác kể lại, bà mong sau khi bà mất, các con cháu sẽ đón ông sang đây với bà. Bà mong ông rời khỏi vùng đất này, cắt đứt mọi liên hệ với những khổ đau, trách nhiệm mà hai từ “gia tộc” mang đến. Nhưng có lẽ đó chỉ là suy nghĩ, là hi vọng của bà – một người phụ nữ châu Âu đơn thuần, thẳng thắn. Bởi vì bà mãi mãi không thể hiểu cái gọi là truyền thừa của một đại gia tộc châu Á dây dưa, phức tạp đến nhường nào. Thế hệ này nối tiếp thế hệ trước, đời này gây nhân, đời sau nhận quả.
*
Chị dừng lại, nhấp một ngụm cà phê. Mãi một lúc lâu sau tôi vẫn chưa thoát ra được khỏi câu chuyện, dù nó mới chỉ ở đoạn mở đầu. Mặt chị còn vương nét đau thương như thể vừa phải chứng kiến ngày tang tóc ấy một lần nữa. Tôi không biết nên làm gì để an ủi chị, đành đặt tay lên bàn tay chị, khẽ siết. Chị lại vỗ vỗ lên mu bàn tay tôi, nói:
– Chị không sao.
– Sau đó thì sao hả chị? Chị bắt đầu gặp phải những thứ đó hả?
Chị cười cười, lắc đầu:
– Không, chị gặp những thứ đó từ sớm lắm. Nghe người lớn trong nhà nói, hồi chị mới 6 tháng, ba mẹ đưa chị lên thuyền vượt biển nhưng bất thành. Người lớn trẻ nhỏ trên thuyền chết nhiều lắm, vì đói và bệnh. Chị nhỏ như con mèo, nằm im không thở nữa. Ba mẹ chị khóc quá trời luôn. Về được đến đất liền, ba mẹ về chuẩn bị hậu sự rồi, mà chị lại thoi thóp thở lại và sống tiếp đó. Rồi khoảng nửa năm sau khi ông mất, xe nhà chị bị xe tải tông, chị văng xuống gầm xe tải. Ai cũng tưởng chị không qua khỏi. Cuối cùng lại thấy chị lồm cồm bò ra từ gầm xe rồi mới ngất. Năm 5 tuổi, chị bị sởi, sốt cao lắm, bác sĩ cũng trả về rồi, mua cả quách rồi, mà chị cũng qua. Lại đến năm 9 tuổi thì bị sốt xuất huyết, bác sĩ lại lắc đầu tặc lưỡi, thế mà chị vẫn sống tiếp. Hồi đó mọi người cứ giỡn bảo chị là “tai họa ngàn năm” sao dễ chết được. Mãi sau này chị mới biết, đều là có thứ hại mình, rồi lại có người cứu mình. Đều là nhân quả cả.
Nghe chị kể sóng to gió lớn bằng giọng bình đạm, thậm chí có đôi phần hài hước như vậy, tôi không khỏi cảm khái. Cho dù là sinh tử, chuyện đã qua thì cũng như nước chảy mây trôi, đều là quá khứ rồi. Hiện tại sống tốt mới là điều quan trọng nhất.
– Vì vậy nên chị tu luyện huyền thuật ạ?
Tôi không nén nổi tò mò, gặng hỏi. Dù sao chị cũng sử dụng huyền thuật cứu mạng tôi, tôi muốn biết vì sao chị có thể làm được. Cho dù chị có nhận được truyền thừa của gia tộc, nhưng tôi cho rằng để đạt tới cảnh giới như vậy, chị cũng phải bỏ không ít công sức tu luyện. Có lẽ chị phải khổ tu cả mấy chục năm trời. Hoặc cũng có thể chị chính là một thế ngoại cao nhân, ẩn dật lánh đời, chuyên tâm tu luyện. Phim truyện đều nói vậy. Ngay cả những thầy pháp tôi từng gặp cũng phải tốn cả đời vừa tích công đức vừa cố gắng chuyên tu mới đạt được một chút linh lực. Huống hồ…
– Đâu có. Chị đâu có tu luyện gì đâu.
Câu trả lời của chị nằm ngoài mọi dự đoán của tôi. Tôi không biết lúc này biểu cảm của mình khoa trương đến mức nào, có lẽ là ba chữ “Không Thể Tin” in đậm trên trán tôi khiến chị phì cười.
– Chị nói thật đó. Không lừa em đâu. Chị không theo huyền thuật thật mà.
– Vậy… vậy… sao chị có thể…
Tôi choáng đến không nói nên lời, lắp bắp hỏi.
– Chị cũng không biết. Lúc đó chị chỉ vung tay theo quán tính, muốn xua nó đi thôi. Chị không hề có ý muốn đánh tan hồn phách của nó. Chắc là do cái vòng này…
– Chị! Chị không thể nói qua loa thế để lừa em được. Em cũng biết một chút về huyền thuật, cũng quen không ít thầy pháp cao tăng. Đồ vật suy cho cùng cũng chỉ là vật chết. Cho dù có linh lực cũng là do người ta truyền linh lực vào nó. Nhưng đồ vật không thể hấp thu và giải phóng hết hoàn toàn 100% linh lực của một người, trừ khi là linh lực của chính người đang đeo nó trực tiếp truyền qua. Còn nếu là vòng do người khác truyền linh lực vào rồi tặng lại chị, thì theo như em biết, nó chỉ chứa được tối đa 5% linh lực của người đó thôi. Nhưng chỉ một cái vung tay của chị đã đánh tan hồn phách của ác linh kia. 5% linh lực của người nào mà lại có thể đánh tan hồn phách của một ác linh có thể tấn công con người giữa ban ngày được?
Tôi nói một tràng không nghỉ, mắt vẫn không rời khuôn mặt chị. Tôi rất tin chị. Tôi tin câu chuyện của chị, khả năng của chị. Phần vì chính mắt tôi đã được chứng kiến, phần vì ở chị luôn tỏa ra một khí chất “thuần khiết”. Nhưng nói chị không tu luyện thì tôi khó mà tin được. Huyền thuật là thứ có lịch sử hàng ngàn hàng vạn năm, có lẽ chỉ muộn hơn sự xuất hiện của loài người trên trái đất này một chút. Ngay từ khi con người bắt đầu thờ phụng thần linh và tìm cách kết nối với họ, đó là lúc huyền thuật khai sinh. Qua thời gian, huyền thuật cũng có thịnh rồi suy. Nhưng nó chưa bao giờ biến mất khỏi thế giới này mà ngày càng phức tạp, uyên thâm. Và sự hiện đại hóa, cơ khí hóa của xã hội ngày nay càng khiến việc tu luyện huyền thuật trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Chị Hàn Mai im lặng một hồi lâu. Tôi vẫn chờ đợi câu trả lời của chị. Tôi tin rằng chị có lý do chính đáng để “lừa dối” tôi. Tôi tự suy diễn một đống giả thuyết trong đầu, rằng có lẽ chị đang bảo vệ tôi, rằng những ai biết quá nhiều chuyện thường không sống tốt đẹp… Chị chống tay lên cằm, đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Tôi cũng dõi mắt theo. Trên bầu trời mùa hè trong và cao vời vợi, từng đám mây trắng lững lờ trôi. Tôi từng mơ rằng mình vốn là một tán tiên, ngày ngày rong chơi, nằm ườn trên những đám mây kia nhìn xuống trần gian ô trọc. Bảy mươi năm sống ở kiếp này chỉ là một lần lịch kiếp trong chớp mắt mà thôi. Thả hồn theo mây gió một lúc, tôi cũng bình tĩnh lại. Lúc này, chị Hàn Mai mới nói:
– Chị hiểu suy nghĩ của em. Giờ chị sẽ kể cho em nghe về người đó…