Thường Hy có vẻ nhấp nhổm không yên, bị bà ấn xuống giữ chặt tay căn dặn thêm đủ điều.
– Hy nhi, ngày mai có rất nhiều quan khách, có cả Hạ hầu, Hạ hầu phu nhân đến tham dự. Con phải chín chắn một chút, đừng có chạy qua chạy lại như vậy. Nào có ra dáng tiểu thư khuê các. Tô thừa tướng cũng mang theo gia quyến đến, con chớ gây sự với Tô tiểu thư…
– Nương, con nào có như vậy. Con tinh thông cầm kì thi họa, sao lại không ra dáng tiểu thư nhà quốc sư đương triều. Tô Ánh Nguyệt kia không chọc vào con thì con chấp cô ta làm gì.
Thường Hy nũng nịu bĩu môi. Lời mẫu thân dặn chẳng có lời nào vào được tai nàng. Hôm nay nàng có hẹn với Hạ Kỳ. Chàng muốn là người đầu tiên tặng nàng món quà cho lễ trưởng thành.
Một nha hoàn tuổi còn nhỏ hơn cả Thường Hy từ bên ngoài chạy vào trong viện, giọng nàng ta lanh lảnh:
– Bái kiến phu nhân, tiểu thư. Tiểu thư, có nhị điện hạ đến tìm người.
Nghe vậy, Thường Hy nhanh chóng thoát khỏi tay mẫu thân, như một con bướm nhỏ tung tăng chạy ra ngoài.
– Nương, con đi gặp Kỳ ca một lát sẽ về ngay.
– Hy nhi, Hy nhi…
Thường phu nhân gọi với theo nhưng không kịp. Bà bất lực ngồi phịch xuống ghế, ôm đầu suy tư. Thường Nghi ôm lấy vai bà, an ủi:
– Nương, tính tiểu muội thế nào người còn không rõ ư. Muội ấy như vậy nhưng những lúc cần
lại rất nghiêm túc, hành sự cẩn trọng, sẽ không có gì xảy ra đâu.
– Ta biết. Nhưng sao ta vẫn bất an trong lòng.
Thường phu nhân thở dài. Đôi mắt bà đong đầy lo âu.
Thấy cảnh này, tôi hỏi Kỳ ca:
– Không phải là bà ấy cũng không thích anh đấy chứ? Đây là mối tình bị gia đình ngăn cấm hả?
– Không phải, bà ấy… Thật ra phụ mẫu ta và nương nàng đều không ngăn cấm chúng ta. Họ chứng kiến chúng ta lớn lên bên nhau, nàng và ta xét về mặt nào cũng đều tương xứng…
Tôi nghĩ cũng phải. Một đôi thanh mai trúc mã, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu như vậy, ai nhìn cũng thấy đẹp mắt vui lòng, cớ gì lại chia uyên rẽ thúy. Chúng tôi theo chân Thường Hy, đi qua những hành lang khúc khuỷu, đến một thủy các. Ở đó, Hạ Kỳ đã ngồi đợi sẵn. Hôm nay chàng ta mặc chiếc áo màu lam, thắt đai đen, tay cầm theo thanh trường kiếm. Đó cũng chính là thanh trường kiếm Kỳ ca đang mang bên mình lúc này. Thấy Thường Hy tới, Hạ Kỳ nhanh chóng đứng lên đón nàng:
– Hy nhi, muội xem, trường kiếm đã rèn xong rồi.
Chàng rút kiếm ra khỏi vỏ. Đó là một thanh kiếm dài chừng 1m20, lưỡi kiếm bóng loáng phản chiếu gương mặt háo hức của Thường Hy. Nàng tươi cười định nói, rồi chợt thay đổi sắc mặt, tỏ ra giận dỗi quay đi.
– Huynh đến để khoe kiếm ư? Ta cần xem kiếm của huynh làm gì?
Hạ Kỳ ngẩn người. Lát sau chàng mới nhận ra vì sao thiếu nữ nhỏ trước mặt lại giận dỗi như vậy, bèn thu kiếm, nghiêng đầu nhìn nàng:
– Ồ, muội không muốn xem kiếm của ta đúng không? Vậy ta xin phép cáo lui.
Nói rồi, Hạ Kỳ vờ cất bước rời thủy các. Thường Hy tức đến giậm chân bình bịch, chỉ Hạ Kỳ mắng:
– Huynh! Hạ Kỳ! Huynh thử rời khỏi đây xem. Xem… xem muội… Muội sẽ không bao giờ thèm để ý đến huynh nữa.
Hạ Kỳ đạt được mục đích, chàng nhanh chóng quay lại, cười ha ha:
– Hy nhi, muội không được không để ý đến ta nữa. Hình phạt này đáng sợ quá, ta không chịu nổi đâu.
Khóe miệng Thường Hy đã khẽ nhếch lên, nhưng nàng vẫn tỏ ra giận dữ, quay về hướng khác:
– Huynh đi đi. Ta không thèm để ý đến huynh!
Hạ Kỳ hạ giọng dỗ dành:
– Ta xin lỗi mà. Sẽ không trêu chọc muội nữa. Muội xem, ta mang gì đến cho muội này.
Nói rồi, chàng lấy ra một chiếc hộp gỗ, trịnh trọng mở ra trước mặt Thường Hy. Trong hộp là một đôi trâm bạch ngọc trạm khắc tinh xảo.
– Chiếc này tặng muội.
Hạ Kỳ đặt vào tay Thường Hy chiếc trâm nhỏ hơn. Trên thân trâm khắc chữ Kỳ.
– Chiếc này là của ta.
Chàng giữ lại chiếc to hơn, thân trâm khắc chữ Hy. Thường Hy không giấu nổi vui vẻ, nụ cười dâng lên tận đôi mắt.
– Coi như huynh có lòng. Tha cho huynh đó!
Nàng vuốt ve chiếc trâm. Bạch ngọc dương chi nàng cũng đã thấy nhiều, nhưng hiếm khối ngọc nào lại có màu trắng trong được như thế này. Toàn thân hai chiếc trâm một màu trắng như mỡ dê, không mảy may có một đường vân.
– Hy nhi. Đây là vật đính ước của ta. Đợi muội hoàn tất lễ trưởng thành, ta sẽ xin phụ thân ban hôn.
Hạ Kỳ nắm lấy hai bàn tay Thường Hy. Chàng nhìn thẳng vào mắt nàng, ôn nhu tràn ra khóe mắt. Hai má Thường Hy nóng rực, nàng rụt tay lại, ôm má:
– Ai thèm gả cho huynh!
Nói rồi quay lưng chạy đi. Bóng áo hồng phấp phới nhuộm cả mặt hồ.
Khuất phía sau ngọn giả sơn, Thường quốc sư siết chặt quyền đấm mạnh lên núi đá. Thường phu nhân níu áo ông, nước mắt lưng tròng.
– Thường Lã, ông đã suy nghĩ kĩ chưa? Hai đứa nhỏ có tội tình gì?…
Bà nghẹn ngào không nói được hết câu. Quốc sư ôm lấy vai bà:
– Phu nhân, ta biết Hy nhi vô tội. Nhưng mệnh trời khó đoán. Ta làm thế cũng chỉ vì tốt cho con bé thôi. Ngay từ khi nó được sinh ra, ta đã biết kiếp này nó buộc phải trải qua đại nạn. Vào Vu Điện không tốt ư? Ở đó nó còn được Vu Mẫu chở che, biết đâu có thể bình an sống hết kiếp này?
– Nhưng Hy nhi…
– Hy nhi từ nhỏ căn cơ đã hơn người. Nó thường ngày ham chơi tinh nghịch, được bà chiều đã quen, nhưng so với Ngôn nhi, Nghi nhi thì chỉ có hơn không kém. Đó là phúc của nó, cũng là họa của nó. Nghe ta, Vu Điện là nơi tốt nhất cho nó. Nghe ta, nghe ta.
Thường phu nhân vẫn không ngừng nức nở. Bà không có lý lẽ gì để giữ nhi nữ bà thương yêu nhất ở lại bên mình. Ngày bà sinh Thường Hy, giông bão liền ba ngày ba đêm không dứt. Phu quân bà nhìn thiên tượng dị thường bèn gieo một quẻ. Đại hung. Từ ấy, bà đã sống trong thấp thỏm. Bà cưng chiều nhi nữ này hơn tất thảy, những mong nàng được một đời an yên trong lòng bà. Nhưng cuối cùng… Thiên mệnh. Cái gì gọi là thiên mệnh? Tại sao cứ phải là nhi nữ của bà?