Khi cả điện Thiên Tế, nơi đặt từ đường hoàng thất Hạ quốc, còn đang chìm trong nỗi bàng hoàng, một bóng dáng nhỏ bé ló ra từ sau ban thờ linh vị. Đứa trẻ chỉ mới khoảng 6-7 tuổi, thân hình mập mạp cùng khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu như một tiểu tiên đồng. Vừa nhìn thấy bóng dáng lấp ló ấy, tôi không kìm được mà lao về phía trước.
– Húc nhi!
Kỳ ca vội ôm tôi lại, chàng khẽ thì thầm:
– Hy nhi, đừng như vậy. Nàng biết Húc nhi hiện giờ rất ổn mà. Đây chỉ là quá khứ.
Tôi biết, biết rõ như vậy. Nhưng có người mẹ nào gặp lại con sau một thời gian chia ly đằng đẵng lại không muốn siết chặt con trong vòng tay, hít hà mùi hương non nớt nơi con? Nhìn con trước mặt mà không được chạy tới, lòng tôi đau như cắt, chỉ biết ôm chặt miệng để ngăn tiếng nức nở.
Phía bên kia, mọi người cuối cùng cũng nhận ra sự có mặt của Hạ Húc. Vị đại hoàng tử của Hạ quốc rất hiếm khi xuất hiện, nghe nói đã lên Côn Lôn, theo tiên nhân tầm sư học đạo. Giờ bá quan văn võ mới được dịp quan sát kĩ vị hoàng tử này. Khi nghiêm túc, cậu có nét chính khí rất giống Hạ đế. Hạ Húc lách người tránh né vòng tay của Thường Lã, đến trước mặt Hạ Kỳ, nghiêm mặt nói:
– Phụ hoàng, người lại làm nương giận nữa sao? Tấm lòng nương đối với người chẳng lẽ người còn không hiểu? Vừa rồi người làm như vậy, lòng nương còn đau hơn phải chết thêm lần nữa đó!
Cậu nghĩ nghĩ một chút, rồi lại thành thật bổ sung:
– Nhưng người biết mà, nương vậy nhưng rất dễ mềm lòng. Đợi nương nguôi giận, phụ hoàng lại đi đón nương về.
Rồi cậu quay sang nhìn Thường Nghi, lúc này nàng ta hẵng còn đang khóc, vẻ yếu đuối như lê hoa đái vũ. Đôi mắt phượng của cậu khẽ nheo lại, khuôn mặt vốn đầy chính khí giờ lại toát lên một vẻ yêu nghiệt khó tả, khiến người ta vừa yêu vừa sợ.
– Di nương. Con gọi thế đúng hong nhỉ? Người đừng khóc lóc như vậy nữa, làm mất mặt phụ hoàng đó. Nương con bình thường dữ lắm á, nhưng cũng chưa động vào người mà. Di nương khóc như vậy trôi hết son phấn rồi kìa. Mà con nói này di nương, người là tỷ tỷ ruột của nương con, mà sao hỏng đẹp như nương nha. Hi hi.
Thường Nghi nghe vậy thì ngưng bặt. Nàng ta siết chặt nắm tay, móng đâm vào da thịt đến chảy máu. Di nương, di nương. Đại hôn này mà thành, Hạ Húc còn phải gọi nàng ta một tiếng mẫu hậu. Vậy mà cậu ta dám gọi là di nương, ý cậu ta là sao chứ?
Hạ Húc cũng chẳng đợi nàng ta phản ứng lại. Trêu chọc xong rồi cậu bèn chạy theo Thường Hy. Hạ Kỳ chạy theo.
– Húc nhi, con đợi đã. Cha phải tìm nương ở đâu?
Hạ Húc không buồn quay đầu lại, cậu chỉ để lại cho Hạ Kỳ một lời bay theo gió.
– Phụ hoàng… người biết!
Hạ Kỳ ngẩn người. Từ đầu đến cuối, Hạ Húc không gọi chàng một tiếng “cha”, cậu chỉ gọi “phụ hoàng”. Điều đó có nghĩa là tiểu gia hỏa này đang giận, rất giận chàng. Hạ Kỳ cười khổ. Mẫu tử nàng đúng là giống nhau y hệt, ngoài lạnh trong nóng.
Đại hôn kết thúc ở đó. Đồng thời, Hạ Kỳ cũng tuyên bố đại lễ phong hậu sẽ chọn ngày tổ chức sau. Thái hậu nãy giờ vẫn ngồi lặng trên ghế, nước mắt giàn giụa. Bà vẫn luôn ghi lòng những món nợ Hạ gia nợ Thường Hy, chưa một phút nào nguôi. Ngày hôm nay, bà lại biết rằng những món nợ ấy Hạ gia bọn họ không sao trả hết được, thậm chí sẽ ngày một chất chồng. Bà thở dài, nói với Thường Lã:
– Ai gia già rồi, chỉ cầu hoàng thượng an khang, đạt thành đại nghiệp. Quốc sư, ai gia nghĩ đã đến lúc nên dùng đến ý chỉ của Tiên đế rồi.
Dứt lời, bà vịn tay cung nữ rời đi. Hạ Kỳ dặn dò bá quan rồi cũng phất áo đi mất. Đám quan quân cúi rạp người, đợi bóng chàng khuất sau ngã rẽ thì cũng lục tục rời điện Thiên Tế. Đại hôn của hoàng đế mà tan tác đến thế này… ai cũng lắc đầu chép miệng.
Bên dưới điện, Thường Nghi vẫn đang quỳ trên tấm bồ đoàn đỏ. Khi trong điện chỉ còn lại cha con họ Thường, nàng ta không nhịn được khóc toáng lên. Đại hôn, trở thành mẫu nghi thiên hạ, ngày nàng ta mong đợi cả đời này rốt cuộc lại thành ra như vậy. Nàng ta có tội tình gì chứ? Đến việc cùng Hạ Kỳ làm lễ tam bái nàng ta cũng chưa hoàn thành. Trước mặt bá quan văn võ, tóc tai xổ tung, mắt mũi nhòe nhoẹt son phấn, lại bị nói là không xứng làm đế hậu, sau này nàng ta còn có thể nhìn mặt ai nữa? Càng nghĩ càng thấy oán hận, nàng ta càng khóc lớn. Thường Ngôn hiểu được hành động của Thường Hy, nhưng lòng chàng vẫn xót thương Thường Nghi. Dù sao cả hai đều là muội muội của chàng. Chàng đỡ Thường Nghi dậy, nhỏ giọng an ủi nàng ta vài câu, sau đó sai cung nữ dìu nàng về Tây cung. Đúng, là Tây cung. Đây cũng là một điều khiến Thường Nghi ôm oán hận trong lòng. Tây cung là nơi xa tẩm cung của hoàng đế nhất, có lẽ chỉ sau biệt cung nơi giam lỏng Tô phi. Từ cổ chí kim, có lẽ nàng ta là đế hậu duy nhất phải ở Tây cung ngay sau đại hôn. Thường Nghi nghiến răng nuốt một ngàn lời thô tục vào trong bụng.
Tôi nhìn thấy một màn này, không khỏi cười lạnh trong lòng. Thật đúng là chuyện khiến người khác phải chê cười.
Hơn một tháng sau, Thường Hy vẫn không xuất hiện. Dù mới diễn ra đại hôn của hoàng đế nhưng toàn bộ cung điện lại chìm trong bầu không khí ảm đạm. Có lẽ vì vị ngồi trên ngôi cao nhất kia quãng thời gian này không nở lấy một nụ cười nên đám cung nhân lúc nào cũng căng thẳng như đi trên dây.
Trong thư phòng.
Hạ Kỳ ngồi thần người. Giấy đã trải ra trước mặt, mực cũng đã mài, nhưng còn thiếu hương hồng mai bên cạnh, nên chàng không thể vẽ ra được hình dáng lung linh ấy. Nàng đã đi đâu? Ngay cả Thường Ngôn và Thường Lã cũng không truy được tung tích mẫu tử nàng. Chàng thiếu điều muốn đến Côn Lôn cầu Thiên Tôn chỉ điểm. Đang lúc sầu não thì nghe thấy tiếng tên thái giám bẩm:
– Hoàng thượng, Thường quốc sư cầu kiến.
– Truyền!
Hạ Kỳ vội tuyên. Biết đâu quốc sư đã tìm thấy nàng, chàng ôm hi vọng. Một lát sau, Thường Lã bước vào thư phòng. Ông nay đã là quốc trượng nên chỉ ôm quyền vái Hạ Kỳ một vái. Lúc ngẩng lên thấy long nhan đầy phiền não, Thường Lã cũng khẽ thở dài. Vị đế vương này tài trí đức đều không phụ kì vọng của ông và tiên đế. Nhưng chàng lại quá mức lụy tình. Ông một mặt cảm kích vì tấm chân tình ngài dành cho nữ nhi mình, một mặt lại cảm thấy lo lắng cho con dân thiên hạ. Những bậc đế vương lụy tình trong lịch sử đều không có kết cục tốt đẹp. Mà kết cục của một đế vương chính là tồn vong của muôn dân trăm họ. Ông có thể không lo sao?
Không đợi Thường Lã bẩm tấu gì, Hạ Kỳ đã hỏi:
– Quốc sư có tin tức của nàng sao?
Thường Lã cúi đầu:
– Hoàng thượng, thần… vô năng.
Thấy chàng không giấu nổi vẻ thất vọng, Thường Lã vội nói thêm:
– Hoàng thượng, ba ngày nữa chính là ngày lành để tổ chức đại điển phong song hậu. Sư phụ thần, Nguyên Thủy Thiên Tôn đã chỉ điểm rằng vào ngày ấy, thần linh sẽ ban phước lành, công nhận người có mệnh phượng cách. Thần tin rằng nếu Hy nhi thực sự có mệnh này, hẳn cũng sẽ trở về nhận sắc phong trước sự chứng giám của thần linh.
Hạ Kỳ im lặng. Chàng suy nghĩ một lúc lâu, đến khi Thường Lã không đợi nổi khẽ nhắc, mới mở miệng:
– Nhưng Hy nhi đã nói như vậy… Nếu trẫm cứ cố chấp sắc phong cho Thường Nghi, liệu nàng ấy có…
– Hoàng thượng – Thường Lã ngắt lời – Chẳng phải ngài và thần đã thống nhất rồi sao. Hạ quốc cần một Vương hậu bằng xương bằng thịt để trấn án chư hầu và lòng dân. Hy nhi dù sao cũng đã… Hơn nữa, vương hậu có được sự công nhận của thần linh sẽ không ai dám lời ra tiếng vào nữa. Hoàng thượng, vì đại cục, cầu ngài cân nhắc kĩ càng.
Hạ Kỳ một lần nữa rơi vào trầm tư. Những chuyện đó đương nhiên chàng hiểu rõ. Nhưng Thường Hy đã giận đến mức rời xa chàng lâu như vậy, không biết giờ nàng đã nguôi giận chưa. Nếu biết chàng vẫn phong hậu cho Thường Nghi, liệu nàng có tha thứ và quay lại bên chàng không? Cuối cùng, Hạ Kỳ vẫn buộc phải thỏa hiệp.
– Trẫm hiểu. Cứ như vậy đi. Hi vọng Hy nhi sẽ quay trở về. Nếu không… Nếu không, trẫm cũng không ngại phế hậu đâu.
Lời này của Hạ Kỳ khiến Thường Lã sững người. Ông định mở miệng nói gì đó, nhưng lại thôi. Ông vái lạy, định lui thì Hạ Kỳ lại cất tiếng.
– Quốc sư có tin gì của Húc nhi không?
– Thần cũng đã dùng thần truyền hỏi thăm đỉnh Côn Lôn, được biết Húc nhi không trở về đó. Nhưng Thiên Tôn cũng dặn rằng mọi việc đều đã được thiên định. Hoàng thượng chớ lo lắng quá.
Hạ Kỳ chán nản vẫy tay cho Thường Lã lui. Chàng bóp bóp trán, tự mình lẩm bẩm:
– Hy nhi, nàng đang ở đâu? Không nhớ ta chút nào sao?