Thời gian cứ thế trôi qua theo những cuộc chiến liên miên và tàn khốc. Trong những tháng năm này, Thường Lã và Thường Ngôn dù bận việc quân vẫn không ngừng dùng pháp thuật tu bổ hồn phách cho mẫu tử Thường Hy. Với họ, đây là cách duy nhất họ có thể làm để giảm bớt áy náy trong lòng mình. Tuy Thường Hy đã không còn nhục thân nhưng tàn hồn của nàng vẫn có thể giao tiếp với người khác, chỉ trừ Hạ Kỳ. Đây quả thực là điều khó lý giải đối với người hiện đại. Nhưng từ khi bên cạnh xuất hiện một vị thần thì tôi chẳng còn cho điều gì là kì lạ nữa. Kỳ ca giải thích với tôi rằng do Thường Hy đã hiến thân cho chính đại nghiệp của Hạ Kỳ, nên chàng không được phép nhìn thấy tàn hồn của nàng. Và vu thuật hiến thân đó có thể coi là một “giao dịch” trực tiếp với Thiên đế, Thường Hy là một Thánh nữ thực sự nên nàng có tư cách làm được điều này. Tàn hồn của nàng buộc phải ở lại nhân gian bảo hộ Hạ Kỳ cho đến khi đại nghiệp đạt thành. Một điều nữa mà mãi sau này chính Kỳ ca mới được biết, là vận mệnh của Thánh nữ Thường Hy do đích thân Thiên đế an bài. Nhiệm vụ đích thực của nàng vĩ đại hơn nhiều so với đại nghiệp chốn nhân gian kia. Đó là độ kiếp cho một vị thượng thần. Khi nhắc đến điều này, trên gương mặt Kỳ ca nở một nụ cười dịu dàng khôn tả. Chàng nói:
– Nếu không có nàng, sẽ chẳng có Phong Đô Đế Quân!
Tôi tự cảm thấy mình chẳng giúp gì được cho chàng trong quãng thời gian tu thần nên chỉ mỉm cười đáp lại.
Khoảng hai năm sau khi Thường Hy cùng Húc táng thân dưới lòng sông Vị, Thường Lã tìm gặp sư phụ ông là Nguyên Thủy Thiên Tôn cầu tình. Nguyên Thủy Thiên Tôn là vị tổ sư khai sinh ra Đạo giáo từ thuở hỗn mang. Sau này, khi trời đất đã phân chia, ngài chuyên tu trên đỉnh Côn Lôn, là nơi giao giữa đất trời, người thường không thể tìm được.
Biết chuyện của Thường Hy và Húc, Thiên Tôn khẽ nheo mắt, vuốt vuốt chòm râu bạc trắng dài đến ngực. Ngài im lặng hồi lâu, cuối cùng nói với Thường Lã:
– Hạ Húc vốn mang mệnh Đế Vương, dương thọ lại chưa tận nhưng vì chịu giày vò cùng nhục thân của Thánh Nữ nên mới mất đi. Ngươi mang hắn đến đây. Ta muốn thu hắn làm đệ tử.
Đây là việc Thường Lã cầu còn không được. Ông vốn chỉ muốn xin Thiên Tôn chỉ giáo cách giúp mẫu tử Thường Hy tu bổ linh hồn, có thể đầu thai chuyển kiếp. Nhưng Thiên Tôn lắc đầu nói:
– Vận mệnh Thánh nữ vốn đã không nằm trong lục đạo, không phải linh hồn giống người phàm, cũng không thể tùy ý đầu thai chuyển kiếp.
Thiên Tôn chỉ điểm cho Thường Lã vài phương pháp để tàn hồn Thường Hy có thể tiếp tục tu luyện. Ngài biết rằng Thánh nữ còn có nhiệm vụ bên mình, tu tập hẳn sẽ có lúc dùng đến.
Thường Lã dập đầu vái Thiên Tôn ba vái, lúc ngẩng lên đã không thấy bóng ngài.
Được Nguyên Thủy Thiên Tôn nhận làm đệ tử là ao ước của kẻ tu đạo, nhưng không biết Thường Hy có nguyện ý để Húc đến Côn Lôn hay không. Nghĩ đến đây, Thường Lã không khỏi thở dài. Ông đã quá đắc tội với mẫu tử nàng, giờ cũng thật khó đối mặt với nàng.
Trái với lo lắng của Thường Lã, Thường Hy lại bình tĩnh lạ thường. Sau trận quân côn ở đại điện hoàng cung nhà Hạ, nàng đã lấy lại lý trí, rũ bỏ vẻ ngây ngốc như đứa trẻ, trở về bộ dáng cao cao tại thượng của một Thánh nữ đích thực, thậm chí còn trầm ổn lãnh đạm hơn khi còn tại thế. Nàng ôm Húc khi này đã là một đứa trẻ khoảng 2 tuổi, yên lặng nghe Thường Lã thuật lại lời Nguyên Thủy Thiên Tôn. Thấy nàng hồi lâu không đáp lại, Thường Lã hỏi:
– Vậy… ý con thế nào?
Thường Hy vẫn không trả lời. Nàng cúi xuống nhìn Húc trong tay mình. Con trai nàng rất bụ bẫm, đôi mắt tròn to ánh lên vẻ lanh lợi. Nàng vuốt má con, khẽ hỏi:
– Húc nhi, ý ngươi ra sao? Ngươi có muốn đi theo hắn không?
Hạ Húc nhìn nàng nhoẻn miệng cười. Nụ cười của con như một dòng nước trong mát thanh tẩy linh hồn nàng. Nàng có lỗi với Húc. Dương thọ của hắn vẫn còn, nhẽ ra hắn nên được sống, trở thành đế vương như ông nội hắn, như cha hắn, vậy mà lại phải theo nàng trở thành một linh hồn vô danh. Nàng ngước nhìn Thường Lã, nói bằng giọng bình đạm:
– Nếu đã vậy, hãy đưa hắn đến Côn Lôn đi.
Nàng trao Hạ Húc cho Thường Lã rồi biến thành làn gió bay đi mất.
Lại ba năm nữa trôi qua.
Hạ đế băng hà.
Thiên Tôn biết được điều này nên trước lúc Hạ đế lâm chung đã cho Hạ Húc về. Nhìn thấy nội tôn trong hình hài một đứa trẻ chừng 5 tuổi, từ khóe mắt Hạ đế chảy xuống hai dòng nước mặn đắng. Ngài gắng sức nắm lấy tay Húc, rồi run rẩy nhìn vào hư vô phía sau lưng hắn, thều thào:
– Đa tạ.
Những người có mặt trong tẩm cung đều hiểu ngài đang nói với ai. Hạ đế thở ngắt quãng, tiếp tục cố gắng nói ra những lời cuối cùng:
– Kỳ nhi… dẫu thế nào… ngươi cũng phải cho nàng danh phận thuộc về nàng… Sau khi ngươi đăng cơ… hãy truy phong nàng là Kính Tâm Thánh Liệt Hoàng Hậu…
Dứt lời, Hạ đế cũng trút hơi thở cuối cùng.
Sau đó, Hạ Kỳ chính thức đăng cơ trở thành Hạ đế đời tiếp theo. Ngày đăng cơ, Hạ Kỳ mặc long bào màu đen thêu chỉ vàng, trên đầu là mũ miện đế vương có chín sợi châu rủ xuống che khuất gương mặt. Tôi không nhìn ra vui buồn trên mặt chàng, chỉ thấy bóng người cao lớn, sống lưng thẳng như kiếm, đĩnh đạc bước từng bước lên long ỷ. Vị trí đế hậu bên cạnh chàng vẫn còn để trống. Liệu chàng có giống như một vị vua tôi từng đọc trong tiểu thuyết, đem bài vị cố nhân đặt vào vị trí ấy không? Sự thật chứng minh, cuộc đời vốn không phải tiểu thuyết. Những gì sách truyện viết chỉ là để thỏa mãn hư vinh của những cô gái mới lớn mà thôi. Người ngồi trên ngai vàng là người đứng đầu thiên hạ, nắm trong tay quyền sinh sát muôn dân, nhưng vận mệnh của chính mình lại khó lòng nắm giữ.
Hai năm sau khi đăng cơ, triều thần đồng loạt dâng sớ yêu cầu Hạ Kỳ lập hậu. Trong đó có cả Thường quốc sư. Lý lẽ bọn họ đưa ra rất đỗi thuyết phục: Hạ quốc muốn trở thành minh chủ của chư hầu, cần phải có căn cơ vững chắc. Hạ đế lên ngôi đã lâu mà hậu cung chỉ có duy nhất Tô thị nay đã trở thành Tô phi, nàng ta cũng có vẻ không được lòng Hạ đế, không thể sinh long tử. Vì vậy, để yên lòng dân chúng và các nước chư hầu, Hạ Kỳ buộc phải lập hậu. Lý lẽ này Hạ Kỳ hiểu. Chỉ là lòng chàng không còn chỗ cho người khác nên vẫn mượn cớ gạt đi. Trong những năm này, Thường Hy tu luyện thuật pháp được Nguyên Thủy Thiên Tôn truyền dạy, đã có thể tụ thành một làn sương trắng mang dáng dấp con người trước mặt Hạ Kỳ. Nàng vẫn luôn bên chàng, dù ở hoàng cung hay ngoài chiến trận.
Cuối buổi thượng triều ngày hôm đó, Hạ Kỳ cho truyền Thường Lã vào thư phòng. Chàng cũng không vòng vo, nói thẳng:
– Thường quốc sư trẫm muốn lập Thường Hy làm hoàng hậu. Khanh thấy thế nào?
Thường Lã nghe vậy thì lập tức quỳ xuống, nói:
– Hoàng Thượng, như vậy không được. Dù sao… dù sao Thường Hy cũng đã mất rồi. Ngài lập một người đã khuất làm Hoàng Hậu, lòng dân sẽ càng thêm hoang mang.
Hạ Kỳ day day trán:
– Quốc sư không phải không biết, những năm qua nàng đã phò giúp Hạ quốc những việc gì. Hơn nữa, trong lòng trẫm cũng chỉ xem mình nàng là thê tử. Trẫm không muốn phụ lòng nàng…
– Hoàng Thượng, theo như quẻ thần đã gieo khi tiên đế còn sống, nhi nữ của phủ quốc sư có mệnh phượng cách. Đây là điều Vu Mẫu và các vị trưởng lão đều có thể làm chứng, không phải do thần tham tranh quyền đoạt vị. Mà nhi nữ của phủ quốc sư ngoài Thường Hy ra còn có… Thường Nghi. Thần quá phận xin Hoàng Thượng… thực hiện đại hôn chi lễ với Thường Nghi, sau đó làm lễ phong song hậu. Như vậy, vừa có mẫu nghi thiên hạ làm yên lòng dân chúng, vừa có thể thành toàn tâm ý của Hoàng Thượng đối với Thường Hy. Không biết… ý Hoàng Thượng thấy như thế nào?
– Trẫm…
Quả thật, Hạ Kỳ cũng không thể nghĩ ra kế sách vẹn toàn hơn. Đối với chàng, chỉ cần trong lòng chàng có một mình Thường Hy, và có thể trao cho nàng danh phận, như vậy là được rồi. Còn hậu cung có bao nhiêu người đi chăng nữa, chàng cũng không quan tâm, vì chàng sẽ không bao giờ bước chân vào đó. Chàng nhắm mắt, mệt mỏi nói:
– Được, vậy quốc sư cho Thông thiên giám chọn ngày lành tiến hành đại hôn. Hết thảy mọi việc đều giao cho khanh xử lý. Trẫm mệt rồi. Lui xuống đi.