Vì một chữ tình,
nàng ôm hận ngàn năm.
Lúc Di Giai tỉnh lại lần nữa, vẫn là nửa đêm. Bốn bề lặng ngắt, có thể nghe được cả tiếng gió thổi qua tán lá. Cô vẫn cảm thấy đầu nặng trĩu, định đưa tay lên bóp trán theo thói quen thì chợt nhận ra bản thân đang mặc một bộ y phục kì lạ. Nương theo ánh trăng rọi vào trong lều, Di Giai nhận ra đó là một bộ cổ phục. Cô không biết chính xác nó thuộc thời kì nào, tại sao lại ở trên người cô. Trong lúc cô đang miên man suy nghĩ, bên ngoài lều có tiếng người nói:
– Tiểu thư, nương nương cho mời.
Cô chớp mắt, nghiêng đầu lắng tai nghe. Giọng nữ nhẹ như gió thoảng lại cất lên:
– Tiểu thư, nương nương đang chờ người.
Xác định mình không nghe nhầm, Di Giai vươn tay lấy roi da rồi bước xuống. Không có bóng người hắt lên cửa lều, nhưng thanh âm văng vẳng kia lại nghe rất rõ, rất gần:
– Tiểu thư, nương nương đang đợi người đó ạ.
Di Giai không cảm thấy sợ hãi, trái lại, cô vén rèm bước ra. Ngoài cửa quả thực có hai cung nữ cầm đèn lồng đứng chờ. Thấy Di Giai, hai cung nữ khẽ nhún người rồi quay lưng dẫn đường. Di Giai cũng không nghĩ nhiều, tự nhiên đi theo. Bước chân cô nhẹ bẫng như đi trên mây, chẳng mấy chốc đã đến một cánh cổng uy nghi, tấm bảng gỗ dát vàng phía trên đề ba chữ Hoàn Ngọc cung. Hai cửa cổng sơn đỏ cót két mở ra, một làn gió lạnh buốt tạt vào mặt Di Giai mang theo mùi vôi sống cay mũi. Đằng sau đại môn là một hành lang dài như vô tận. Hai cung nữ vẫn cúi đầu đi đằng trước, lặng im đến độ Di Giai nghe thấy tiếng hít thở của chính mình. Hai bên hành lang chỉ có sương mù xám xịt bao phủ, không nhìn rõ cảnh vật gì. Cứ cách hai cột lại treo một đèn lồng đỏ, ánh lửa bên trong nhảy múa như có sinh mệnh, vẽ lên mặt đất những hình thù uốn éo quỷ dị. Đi khoảng mười phút, hai cung nữ dẫn đường dừng bước. Bọn họ quay người lui sang hai bên, nhún mình thi lễ với Di Giai, đầu vẫn cúi gằm.
– Tiểu thư, mời vào điện.
Di Giai chắc chắn họ không hề mở miệng, nhưng giọng nói yếu ớt như tiếng gió lùa qua kẽ lá vẫn lọt vào tai cô. Cô nhấc tà áo, bước vào bên trong. Trái với không gian âm u bên ngoài, trong điện đèn đuốc sáng rực. Chính giữa điện là một hồ tiểu cảnh, có cây cầu nhỏ vắt qua. Phía bên kia cầu là rèm châu ngũ sắc thi thoảng va vào nhau tạo ra tiếng ting ting tang tang khe khẽ. Đằng sau rèm, một người phụ nữ đang nửa nằm nửa ngồi trên ghế ngọc. Thấy Di Giai bước vào, nàng thong thả đứng dậy, vén rèm bước ra. Người phụ nữ thân hình đầy đặn, khuôn mặt như trăng rằm, đôi mắt hạnh lúng liếng, quả thật xứng với danh hiệu đệ nhất mỹ nhân. Nàng uyển chuyển đi đến trước mặt Di Giai, thân thiết nắm lấy tay cô, cười đến khuynh thành, nói:
– Muội muội, ta chờ muội đã lâu.
Di Giai biết người trước mặt mười phần là Nhu hoàng quý phi trong truyền thuyết. Bàn tay nàng ấy lạnh như băng ngọc, giọng nói lại ngọt ngào nhu hòa như nước ôn tuyền. Có điều, vì sao nàng ấy lại tỏ ra quen biết đã lâu như vậy, trong lòng Di Giai không khỏi nghi ngờ.
– Ta và người quen nhau sao?
Nàng ấy sống cách Thường Hy hơn một ngàn năm, cũng cách Di Giai hơn một ngàn năm. Cô không biết vào năm Minh hoàng tại vị, bản thân đang đầu thai ở kiếp nào, có lẽ đã có duyên hạnh ngộ một trong tứ đại mỹ nhân cổ đại này. Di Giai vẫn còn đang rối, lại thấy Nhu hoàng quý phi cười rộ lên.
– Ta nào có được vinh hạnh ấy. Có điều, ta may mắn có được hai vật của muội. Bao lâu nay vẫn chờ muội tới lấy.
– Vật của ta?
– Chính xác là của Thường Hy Thánh Nữ.
Di Giai gật đầu tỏ vẻ hiểu rõ. Nhưng cô lại nhìn Nhu hoàng quý phi bằng ánh mắt kiên định.
– Đã ở trong tay Nhu hoàng quý phi, vậy thì chúng là vật của người rồi. Giữ lại bên mình hơn ngàn năm, hẳn người cũng trân trọng. Vậy ta cũng không cần thiết phải lấy lại làm gì. Ta đúng là Thường Hy chuyển thế, nhưng ta cũng là Bách Di Giai. Ta có kí ức của nàng ấy, cũng có cuộc sống hiện tại của ta. Những gì đã là lịch sử, cứ để chúng yên nghỉ đi.
Nhu hoàng quý phi hơi sững người. Phản ứng của Di Giai quả thật nằm ngoài dự liệu của nàng. Nàng im lặng nhìn Di Giai hồi lâu rồi nói:
– Muội muội biết bản thân Thường Hy thánh nữ, vậy hẳn đã nối lại lương duyên với đế quân. Có điều, muội đừng chê tỷ quá phận, ta hỏi muội, ngày ấy đã cho muội nhớ lại bao nhiêu?
Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng Di Giai. Lời này có ý gì? Nhu hoàng quý phi khẽ liếc nhìn Di Giai, đoạn lại tiếp:
– Hẳn muội cũng biết vì sao ta lại ở đây? Dân gian truyền Cảnh lang[1] thương yêu ta bao nhiêu, sự thật chỉ có hơn không có kém. Một lần ta bất cẩn để mảnh sành xước ngón tay, từ đó, đồ sứ trong Hoàn Ngọc cung toàn bộ thay bằng vàng. Chàng sợ phấn hoa khiến ta dị ứng, cho thợ khéo đẽo ngọc thành hoa, phỉ thúy thành lá, xây lên Thông Thiên uyển. Những việc chàng làm cho ta, e rằng khắp thiên hạ từ cổ chí kim chưa từng có. Nhưng rồi, ta vẫn ở đây. Trong mắt bọn họ, phụ nữ mãi mãi không sánh bằng giang sơn.
[1] Tên tự của Minh hoàng là Minh Cảnh.